Sức sống của tình yêu



Bố tôi là Nhà giáo, đồng thời là một cây bút viết văn. Truyện của bố được nhiều “người” hâm mộ, họ thường viết thư về bày tỏ, khen ngợi bố hết lời..


Nghe nói có cô gái còn ngỏ lời yêu bố vì quá phục tài năng của bố. Hồi ấy nhà tôi rất nghèo. Mẹ làm Cấp dưỡng cho xí nghiệp cơ khí gần nhà, tuy bị bệnh đau lưng nhưng hàng ngày mẹ vẫn gánh nước gạo về nuôi lợn để có thêm thu nhập.

Bố thương mẹ lắm. Một hôm bố đi đón mẹ để gánh đỡ nhưng mẹ không nghe. Mẹ bảo: “Anh là Nhà giáo, Nhà văn nổi tiếng, anh lấy em thấp hèn đã không hợp rồi, giờ lại gánh nước gạo ngoài đường thế này, người ta nhìn thấy thì còn ra thể thống gì?”.


Bố phản kháng ngay lại lời mẹ bằng cách giằng lấy đòn gánh từ vai bà đặt lên vai mình. Nhưng mẹ nhất định không cho, hai bên giằng co, du đẩy mạnh quá khiến thùng nước gạo tuột ra khỏi mấu đòn gánh làm mất thăng bằng và chiếc đòn gánh bất ngờ bật tung lên, đập ngay vào đầu mẹ. Nước gạo, cuống rau, bã cơm bắn tung tóe, chua lòm khiến hàng phố xúm đến.

Có ai đó hô to: “Hắn ta đánh vợ giữa đường đấy, bắt hắn lại!” làm mọi người càng xông đến. Mẹ xấu hổ quá bỏ chạy. Bố chẳng nói chẳng rằng, gánh tiếp đôi thùng nước gạo về nhà.

Hôm sau, lập tức tin đồn loan ra cả phố: Thầy giáo Hạo đánh vợ ngoài đường. Tin đồn loan vào tận trường của bố. Vừa bước vào lớp, bố đã nghe có đứa nói to với bạn: “Cẩn thận kẻo thầy đánh cho như đánh vợ thầy ngoài đường”.

Ghê gớm hơn, một bà phụ huynh còn đến gặp Hiệu trưởng nói rằng, phải đình chỉ việc lên lớp của bố tôi vì chính bà đã nhìn thấy ông đánh vợ chiều hôm trước. Sáng ấy bố đi dạy học về không ăn uống gì, lên giường trùm chăn nằm. Xế chiều, mẹ bảo tôi: “Mẹ về quê mấy ngày, con thay mẹ chăm sóc bố nhé”.

Tuổi thơ dại dột đâu đã biết nghi ngờ. Lúc bố hỏi, tôi kể lại sự việc bố mới hoảng hốt kêu lên: “Thế thì mẹ không trở về nhà ta nữa đâu!”, rồi ông ôm đầu gục xuống đến mấy phút mới ngẩng dậy. Cuộc đời tôi, cho đến tận bây giờ vẫn còn nhớ như in cái tiếng kêu tuyệt vọng đó của bố.

Ngay hôm sau, bố đi khắp nơi tìm mẹ, từ quê nội đến quê ngoại, từ chỗ thân quen mẹ đến chỗ thân quen bố, mọi chỗ họ hàng xa gần. Tuyệt nhiên không một tia hy vọng. Về nhà bố gieo mình xuống giường, đầu cộm phải một gói nhỏ dưới gối. Thì ra đó là bức thư và 5 chỉ vàng mẹ gửi lại.

Tôi chưa biết chữ nên chỉ nghe bố nói: “Mẹ bảo mẹ không xứng với bố nên phải ra đi. Đừng tìm mẹ nữa. Mẹ gửi lại 5 chỉ vàng để làm vốn nuôi con ăn học”.

Từ đó, bố tôi trở thành con người trầm lặng hẳn. Ông buồn bã trong từng dáng đi, giọng nói. Ngoài giờ dạy học, bố chỉ chăm tôi và vùi đầu viết văn, không quan hệ với ai, không tiếp ai. Những bức thư bạn đọc gửi về, bố bó lại không xem, còn bảo: “Để đó bao giờ mẹ về mẹ đọc cho bố nghe”.

Bố nói làm tôi phát khóc. Từ trước tới nay, những lá thư bạn đọc gửi về khen bố, mẹ thường đọc cho bố nghe và mẹ tự hào kiêu hãnh lắm. Nhưng có một sự thật mà sau này tôi mới biết, chính việc đọc thư ấy mà mẹ mặc cảm với thân phận mình.

Ấy là một ngày Chủ nhật mưa buồn. Bố đang ngồi viết văn và tôi đang nấu cơm thì có người phụ nữ xinh đẹp, thơm tho đến nhà. Bố nghe tiếng chào mà giật mình đánh rơi cây bút. Sau tiếng cười khanh khách, người đàn bà ấy cất lời: “Anh khốn khổ thật, tưởng lấy người khác thì được đơm hoa kết trái, nào ngờ chẳng cho thu hoạch gì mà còn bỏ anh”.

Bố tôi quát: “Cô im đi, đừng xúc phạm người khác”. Người đàn bà liền nghiến răng bảo: “Sao anh không nghĩ đến cái đoạn bố mẹ anh xúc phạm tôi? Tôi làm diễn viên thì phải đi diễn đêm, phải ôm hết thằng này thằng khác làm vui cho thiên hạ, vậy mà bảo tôi là đồ nhà thổ, đuổi tôi đi”.

Bố bảo: “Điều ấy cô đã bắt họ trả giá rồi đấy thôi. Cô vứt con cô cho bố mẹ tôi nuôi cả năm rồi đột ngột về giằng lại khiến ông bà nhớ thương cháu phát ốm mà chết cả hai. Khi ra tòa cô còn được một nửa gia tài của nhà tôi, vậy giờ cô lại muốn gì?”. “Tôi về xin lại anh con Hằng, con tôi”.

Ối giời, lúc đó tôi mới biết mình là con người đàn bà ghê gớm ấy. Bố bảo: “Tòa đã cho tôi nuôi nó đến năm 18 tuổi. Đừng để tôi phải viện đến pháp luật. Chưa kể tội trước đây khi vợ tôi đang sống cùng tôi, cô luôn viết thư xỉ vả cô ấy là đũa mốc đòi chòi mâm son, khiến cô ấy mặc cảm vô cùng”. Tôi nghe hai người đối đáp mà sợ rúm người, ngồi im trong bếp.

Nhưng khi nghe người đàn bà kia gọi: “Hằng con, đi với mẹ, mẹ sẽ nuôi cho cuộc đời con sung sướng”, tôi đã khóc giãy lên như phải bỏng. Lời tôi như bản năng mách bảo: “Không, bà không phải là mẹ tôi, tôi ghét bà lắm, bà cút đi!”. Nói rồi tôi ôm chặt lấy bố, quyết không rời.

Người đàn bà đành mang nỗi uất ức ra về nhưng vẫn dọa: “Tôi sẽ thuê người bắt cóc nó cho anh biết tay”. Có lẽ vì thế mà bố tôi suy sụp hẳn tinh thần. Ông không viết lách gì, người gầy sọp, râu để tua tủa không cạo.

Rồi ông ốm rất nặng, đi viện bác sĩ bảo nhỏ tôi: “Bố cháu đã bị ung thư não”. Tôi nghe tin ấy như thể bị súng đại bác bắn vào đầu. Trong cơn mơ, một lần bố gọi: “Hằng ơi, đừng bỏ bố nhé!”. Tôi đã nghĩ nếu bố chết mình sẽ chết theo để bố khỏi buồn.

Một ngày kia, có bác Hùng, bạn chiến đấu cũ của bố đến thăm. Bác kéo tôi ra sân thì thầm: “Bác đã đi tìm và biết chỗ mẹ con đang sống. Nhưng xa lắm, tận trong Tây Nguyên cơ. Làm sao gọi được mẹ con về bây giờ? Bố con khó mà qua khỏi”.

Tôi lúc đó mới 11 tuổi đầu, vậy mà dám cất lời: “Bác hãy đưa cháu đi, cháu phải gọi được mẹ về cho bố”. Bác Hùng nhiệt tình lắm, liền nhờ các đồng đội cũ đến chăm sóc bố tôi để tôi vào Tây Nguyên tìm mẹ.

Chuyến đi ấy tôi đã gặp người đàn bà sống lủi thủi trong căn nhà tối om giữa rừng cao su xanh biếc. Thấy tôi, mẹ ôm chầm lấy và khóc nức nở. Tôi kể chuyện bố từ ngày mẹ đi sống buồn khổ ra sao, giờ đang ốm nặng thế nào và tôi quỳ xuống cầu xin mẹ hãy quay về căn nhà của chúng tôi. Cả đêm thức trắng, sáng ra thì mẹ đồng ý.

Thôi khỏi kể cái giây phút mẹ trở về căn nhà của chúng tôi. Chỉ biết rằng bố đã ngồi hẳn dậy nhìn chăm chăm vào mẹ rồi ngất lịm mấy phút tưởng đi luôn. Mẹ vội lau nước mắt, đi sắc thuốc ngay cho bố. Gói thuốc quý mẹ lấy ở rừng Tây Nguyên mang về tự tay sắc không ngờ rất hiệu nghiệm.

Từ hôm ấy bố tỉnh lại dần, người khỏe ra. Nửa tháng sau, ông đã hồng hào da thịt. Ba tháng sau, bố như người không còn bệnh tật, ông lại viết văn, vui vẻ như xưa.

Bố quyết định theo mẹ vào Tây Nguyên sinh sống khiến mẹ vui khôn tả. Bà nói thật với tôi: “Mẹ không phải người đẻ con đâu, có đi cùng mẹ không hay về với mẹ đẻ con?”. Tôi nói rằng đã biết rõ điều đó và nguyện đi Tây Nguyên theo họ khiến hai người bật khóc vì sung sướng.

Có một phúc đức lớn không ngờ. Vào Tây Nguyên chưa đầy năm, bỗng nhiên mẹ có thai. Bốn bảy tuổi rồi còn mang thai, ai tin được? Thế mà là sự thật. Cuối năm đó, một thằng em trai tôi ra đời. Nó giống bố tôi y như đúc. Còn bố như được cải lão hoàn đồng, ông lại xin đi dạy học ở một trường Cấp một trong bản.

Thằng em tôi lên bảy thì tôi vào Đại học. Ngày tiễn tôi về thành phố, mẹ khóc như mưa. Tôi cũng buồn và thương bố mẹ lắm. Chợt nghĩ chắc Trời biết trước nên đã cho bố mẹ tôi đứa con trai để bù đắp nỗi cô đơn vì thiếu vắng tôi.

Sau này lớn lên gặp lại bác Hùng, tôi nói rằng không tin mẹ kế tôi lại có con ở tuổi ấy thì bác Hùng cười ha ha bảo: “Đó là hoa trái của tình yêu. Chỉ tình yêu chân thành, say đắm mới có được phúc đức ấy”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More